Lý do người Việt nên tầm soát bệnh viêm gan mãn tính

Thứ hai - 15/04/2019 06:51 3.123 0
Những triệu chứng rất mờ nhạt của viêm gan mạn tính khiến nhiều người mắc bệnh nhưng vẫn cho rằng mình khỏe mạnh. Tới khi các dấu hiệu bắt đầu rõ rệt thì bệnh đã nặng, bệnh đã tiến triển thành xơ gan, thậm chí là ung thư gan.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bệnh viêm gan mạn tính là tình trạng tế bào gan bị hủy hoại (biểu hiện bằng tăng nồng độ men gan trong máu) kéo dài trên 6 tháng, do nhiều nguyên nhân, trong đó thường gặp nhất là viêm gan siêu vi B mạn tính, viêm gan siêu vi C mạn tính, bệnh gan do rượu bia và gan nhiễm mỡ. Bệnh viêm gan mạn tính rất phổ biến ở người Việt, hầu như không có biểu hiện triệu chứng gì rõ rệt, nhưng âm thầm phát triển, dẫn đến biến chứng nguy hiểm như xơ gan và ung thư gan.

Cách tốt nhất để ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm là tầm soát sớm bệnh gan mạn tính, từ đó có biện pháp điều trị và theo dõi thích hợp. Những lý do cụ thể sau chứng minh tầm quan trọng của việc tầm soát căn bệnh này.

Người Việt Nam rất dễ mắc bệnh gan mạn tính

Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ nhiễm viêm gan siêu vi B cao nhất thế giới - khoảng 10 - 20% dân số. Bệnh lây từ mẹ sang con (mẹ bầu viêm gan siêu vi B truyền cho con trong lúc sinh), do truyền máu hay dùng chung dụng cụ có thể dính máu (dao cạo râu, bàn chải đánh răng, dụng cụ xăm môi hay xăm mình, kim chích...) và quan hệ tình dục không an toàn với người nhiễm bệnh.

Trong khi đó, tỉ lệ mắc viêm gan siêu vi C mạn tính dao động khoảng 2 - 5% dân số. Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường máu, do đó, thường gặp nhiều ở những người tiêm chích ma túy, chạy thận nhân tạo, truyền máu nhiều lần... Nguy cơ lây truyền từ mẹ sang con hay quan hệ tình dục thấp hơn nhiều so với viêm gan siêu vi B.

Bệnh gan do rượu bia là một trong những bệnh gan thường gặp nhất ở nước ta. Theo một khảo sát ở nhiều quốc gia châu Á, tỷ lệ nghiện rượu bia ở đàn ông Việt Nam cao hơn đáng kể so với các quốc gia khác. Bệnh gan do rượu bia không chỉ liên quan tới lượng rượu bia sử dụng mà còn liên quan tới độc chất đi kèm trong rượu bia kém chất lượng.

Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu bia là tình trạng tích tụ mỡ trong tế bào gan, với tỷ lệ mắc bệnh dao động trong khoảng 15 - 30% dân số và ngày càng phổ biến. Trước đây, người ta nghĩ rằng bệnh không có gì nguy hiểm, nhưng 10 - 20% bệnh nhân gan nhiễm mỡ kèm men gan tăng có thể diễn tiến thành xơ gan hay ung thư gan. Gan nhiễm mỡ thường liên quan với tình trạng thừa cân hay béo phì, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, ít vận động thể lực...

Bệnh gan mạn tính gây ra các biến chứng nguy hiểm

Các triệu chứng của bệnh viêm gan siêu vi B, C mạn tính, bệnh gan do rượu bia và gan nhiễm mỡ thường rất mờ nhạt, chỉ một số ít bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, chán ăn hay đau nhẹ vùng gan. Do đó, bệnh nhân vẫn cho rằng mình khỏe mạnh và thường chủ quan không nghĩ mình có bệnh.

Tuy nhiên, sau nhiều năm diễn tiến, tất cả các loại bệnh gan mạn tính đều có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng như xơ gan hay ung thư gan. Các triệu chứng như vàng da, phù chân hay bụng có nước đều là những biểu hiện muộn, khi bệnh nhân đã có xơ gan.

 

Biện pháp điều trị thích hợp

Đối với viêm gan siêu vi B mạn tính, thông thường, những bệnh nhân có men gan bình thường thì chưa cần điều trị, nhưng cần tái khám định kỳ với bác sĩ chuyên khoa gan mật 3 - 6 tháng/lần để theo dõi nồng độ men gan, bởi bệnh có thể âm thầm diễn tiến sang thể bệnh có men gan tăng và cần được điều trị sau đó. Những bệnh nhân có nồng độ men gan tăng và nồng độ siêu vi trong máu cao cần được chỉ định dùng thuốc đặc trị ngay.

Đối với bệnh viêm gan siêu vi C mạn tính, trong vài năm gần đây, y học đã có thuốc uống đặc trị, 99% bệnh nhân được chữa khỏi hoàn toàn.

Khi phát hiện bệnh gan do rượu bia hay gan nhiễm mỡ, bệnh nhân cần được theo dõi định kỳ với bác sĩ chuyên khoa gan mật. Biện pháp điều trị là hạn chế rượu bia, cữ ăn ngọt và dầu mỡ, tập thể dục đều đặn hằng ngày, điều trị tốt các bệnh đi kèm như đái tháo đường, rối loạn mỡ máu và sử dụng một số thuốc hỗ trợ gan.

Nếu phát hiện muộn khi bệnh đã diễn tiến đến xơ gan mất bù hay ung thư gan, điều trị rất khó khăn và tốn kém. Bệnh nhân thường phải nhập viện nhiều lần và thời gian sống không lâu.

Phòng ngừa, phát hiện sớm bệnh gan mạn tính

Cách tốt nhất để phát hiện sớm bệnh gan mạn tính là khám bác sĩ chuyên khoa gan mật để được chỉ định các xét nghiệm máu xem có tình trạng tăng nồng độ men gan, nhiễm viêm gan siêu vi B và viêm gan siêu vi C hay không và siêu âm bụng để xem có gan nhiễm mỡ hay không...

Nếu kết quả tầm soát cho thấy không có bệnh, bác sĩ sẽ tư vấn biện pháp phòng ngừa các loại bệnh gan. Đặc biệt, bác sĩ sẽ tư vấn có cần phải tiêm vaccine phòng viêm gan siêu vi B hay không. Tiêm vaccine là biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa bệnh lý này.

Nếu kết quả tầm soát cho thấy có bệnh viêm gan siêu vi B hay viêm gan siêu vi C mạn tính, ngoài tư vấn về biện pháp điều trị và cách theo dõi bệnh định kỳ, bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh cách phòng ngừa lây nhiễm bệnh cho người thân. Cách tốt nhất để phòng ngừa là người thân của bệnh nhân nên tầm soát bệnh viêm gan và chích ngừa viêm gan siêu vi B nếu chưa có kháng thể bảo vệ.

 

Nguồn tin: Sưu tầm

PHÒNG KHÁM CHUYÊN KHOA TIÊU HÓA - GAN MẬT
Mọi thông tin chi tiết , tư vấn hướng dẫn đặt lịch khám và hỗ trợ khác xin vui lòng liên lạc theo:
Địa chỉ: 20 Trần Xuân Hòa, Phường 7, Quận 5, Hồ Chí Minh
ĐẶT HẸN: 0868845154
Điện thoại: 0942079174  hoặc 08688.45154 - 
Email: bsduythong@gmail.com

Tổng số điểm của bài viết là: 12 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Quỳnh Anh

Cho phép tôi được thay mặt gia đình xin gửi lời cảm ơn chân thành, sâu sắc nhất đến TS. Võ Duy Thông đã chăm sóc và điều trị cho mẹ tôi. Bác Thông đã động viên và điều trị cho mẹ tôi qua cơn hiểm nghèo, giờ bà đã khỏe mạnh, ăn uống nhiều hơn. Chúng tôi biết ơn Bác nhiều...

Chi tiết


Xem tẩt cả Gửi ý kiến
 
Thăm dò ý kiến

Bạn biết Phòng khám Chuyên khoa Nội tiêu hóa, Gan mật - TS. BS. Võ Duy Thông qua kênh nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập4
  • Hôm nay350
  • Tháng hiện tại10,831
  • Tổng lượt truy cập1,917,814
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây