Phòng khám PGS. TS. BS. Võ Duy Thông

http://www.bsvoduythong.com


Viêm loét đại tràng

Viêm loét đại tràng là tình trạng viêm ở đại tràng và trực tràng. Triệu chứng thường gặp nhất khi bệnh vào đợt cấp là tiêu chảy kèm lẫn máu. Điều trị thường có thể làm nhẹ các triệu chứng này. Bệnh có thể được ngăn ngừa vào đợt cấp bởi việc sử dụng thuốc, thường là mesalazine, mỗi ngày. Một số trường hợp cần phải phẫu thuật để cắt đại tràng.
Hình minh hoạ

Viêm loét đại tràng là tình trạng viêm ở đại tràng và trực tràng. Triệu chứng thường gặp nhất khi bệnh vào đợt cấp là tiêu chảy kèm lẫn máu. Điều trị thường có thể làm nhẹ các triệu chứng này. Bệnh có thể được ngăn ngừa vào đợt cấp bởi việc sử dụng thuốc, thường là mesalazine, mỗi ngày. Một số trường hợp cần phải phẫu thuật để cắt đại tràng.

Những người mắc bệnh viêm loét đại tràng có nguy cơ cao với ung thư đại tràng. Dùng mesalazine mỗi ngày có thể làm giảm nguy cơ này. Sau 8-10 năm, nội soi để thám sát lòng đại tràng mỗi 1-3 năm được khuyên làm để tầm soát các tổn thương tiền ung thư.

Hiểu về đường tiêu hoá

Đường tiêu hoá là một ống dài bắt đầu từ miệng và kết thúc ở hậu môn. Thức ăn đi qua cổ họng (thực quản) để vào dạ dày, từ đó đến ruột non.

Ruột non gồm 3 phần – tá tràng, hỗng tràng và hồi tràng. Ở ruột non, thức ăn được tiêu hoá và hấp thu vào dòng máu. Đường tiêu hoá sau đó chuyển thành ruột già và trực tràng, hay còn được gọi là ruột lớn.

Ruột già hấp thu nước và chứa các thức ăn không được tiêu hoá, như chất xơ. Những thứ này được chuyển vào đoạn cuối của ruột già và trở thành phân.

Phân sau đó được di chuyển đến hậu môn và đi ra ngoài.

Viêm loét đại tràng là gì?

Viêm loét đại tràng là bệnh của ruột già và trực tràng.

  • Viêm đại tràng có nghĩa là có tình trạng viêm ở đại tràng.
  • Loét nghĩa là các vết loét có xu hướng hình thành, thường ở những nơi đã bị viêm. Một vết loét xuất hiện khi thành ruột bị tổn thương và làm lộ ra các mô bên dưới. Khi nhìn vào trong lòng ruột, một vết loét trông như một cái hố nhỏ đào vào trong thành ruột. Vết loét trong bệnh viêm loét đại tràng có ở đại tràng và có xu hướng chảy máu.

Tình trạng viêm và loét trong ruột già gây nên triệu chứng thường gặp của bệnh là tiêu chảy và đi phân kèm nhầy.

Bệnh viêm đại tràng là gì?

Khi bác sĩ nói tới bệnh viêm đại tràng, họ nói tới người mắc bệnh viêm loét đại tràng hoặc bệnh Crohn. Cả hai bệnh trên đều gây nên tình trạng viêm của đại tràng và trực tràng với triệu chứng tương tự như tiêu chảy phân có máu, v.v.

Mặc dù hai bệnh này có vẻ giống nhau về triệu chứng và điều trị, vẫn có những sự khác biệt. Chẳng hạn, tình trạng viêm của viêm loét đại tràng có xu hướng khu trú ở lớp trong của thành ruột, trong khi trong bệnh Crohn có thể viêm toàn bộ các lớp của thành ruột. Ngoài ra, viêm loét đại tràng chỉ ảnh hưởng ruột già, còn bệnh Crohn có thể gây bệnh ở bất kỳ nơi nào trên đường tiêu hoá.

Tuy nhiên, 1 trong 20 người bị bệnh viêm đại tràng chỉ ở đại tràng không thể được phân định rõ là mắc bệnh viêm loét đại tràng hay bênh Crohn vì họ có những đặc điểm của cả hai bệnh trên. Đôi khi tình trạng này được gọi là viêm đại tràng không rõ căn nguyên.

Lưu ý: bệnh viêm đại tràng đôi khi được viết tắt là IBD (Inflammatory bowel disease), khác với IBS (Irratable bowel syndrome) – hội chứng ruột kích thích – một bệnh rất khác biệt.

Ai có thể mắc viêm loét đại tràng?

Có khoảng 2 trong 1000 người ở nước Anh mắc bệnh viêm loét đại tràng. Bệnh có thể khởi phát ở bất kỳ tuổi nào nhưng thường gặp nhất trong khoảng 10-40 tuổi. Có 1 trong 7 trường hợp bệnh xuất hiện ở người trên 60 tuổi. Người không hút thuốc lá có xu hướng bị viêm loét đại tràng nhiều hơn người hút thuốc lá. Tuy nhiên, việc hút thuốc mang lại nhiều bất lợi nguy hiểm cho sức khoẻ và có ý nghĩa xấu hơn là việc làm giảm khả năng mắc bệnh này.

Nguyên nhân của viêm loét đại tràng

Nguyên nhân vẫn chưa được biết rõ. Viêm loét đại tràng có thể ảnh hưởng bất kỳ ai và 1 trong 5 người mắc bệnh có một họ hàng gần cũng bị bệnh. Vì vậy, có thể yếu tố di truyền có đóng góp. Giả thuyết thông thường là có một vài yếu tố kích hoạt hệ thống miễn dịch để gây nên tình tràng viêm ở đại tràng & trực tràng ở người đã có sẵn yếu tố gen dễ mắc bệnh này.

Yếu tố thường gặp nhất làm khởi phát bệnh là vi trùng hoặc virus. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ cụ thể loài vi trùng hoặc virus nào là thủ phạm. Một số yếu tố kích thích khác bao gồm thuốc kháng viêm và việc ngừng dùng nicotine ở người bỏ hút thuốc lá. Ở người đã biết bị viêm loét đại tràng, một tác nhân thường thấy làm bùng phát các triệu chứng là một đợt nhiễm trùng tiêu hoá (viêm dạ dày ruột) gây ra bởi nhiều loại vi trùng khác nhau.

Triệu chứng của một đợt bùng phát viêm loét đại tràng?

  • Tiêu chảy. Có thể từ nhẹ đến nặng. Tiêu chảy có thể lẫn nhầy hoặc mủ. Thường gặp tình trạng mắc đi cầu, phải vào nhà vệ sinh nhanh chóng. Cảm giác muốn đi cầu nhưng không đi được (mót rặn) cũng thường thấy. Nước không được hấp thu hoàn toàn khi đại tràng bị viêm làm cho tiêu chảy có nhiều nước.
  • Máu kèm trong phân khi tiêu chảy là triệu chứng thường gặp.
  • Đau bụng.
  • Đau khi đi cầu.
  • Viêm trực tràng. Triệu chứng có thể khác đi nếu cơn bùng phát chỉ ảnh hưởng trực tràng mà không phải đại tràng. Bạn có thể thấy máu tươi chảy ra từ trực tràng và đi phân bình thường, không gặp tiêu chảy. Thậm chí bạn có thể bị táo bón khi phần trên của đại tràng không bị tổn thương nhưng thường xuyên có cảm giác mắc đi tiêu.
  • Cảm giác không khoẻ thường thấy nếu đợt bệnh này ảnh hưởng tới một đoạn lớn đại tràng và trực tràng, hoặc kéo dài lâu. Sốt, mệt mỏi, buồn nôn, sụt cân và thiếu máu có thể xuất hiện.

Bệnh viêm loét đại tràng tiến triển như thế nào?

Viêm loét đại tràng là bệnh mạn tính và hay tái phát. Mạn tính nghĩa là bệnh kéo dài liên tục. Tái phát mang nghĩa có lúc bệnh sẽ bùng phát, có lúc bệnh sẽ thuyên giảm, có ít hoặc không có triệu chứng. Độ nặng của các triệu chứng và việc chúng có tái phát thường xuyên không khác nhau ở mỗi người. Đợt bùng phát đầu tiên thường là đợt nặng nhất.

Bệnh bắt đầu ở trực tràng trong phần lớn các trường hợp. Điều này gây ra viêm trực tràng. Trong một số trường hợp, bệnh chỉ ảnh hưởng trực tràng còn đại tràng thì không. Ở người khác, mộ phần hoặc toàn bộ đại tràng bị ảnh hưởng. Giữa các đợt bệnh, phần viêm của đại và trực tràng lành dần và hết các triệu chứng. Độ nặng của một đợt bùng phát có thể chia thành nhẹ, trung bình hoặc nặng:

  • Nhẹ – bạn đi cầu ít hơn 4 lần một ngày, có thể có hoặc không kèm máu. Nhìn chung, bạn vẫn cảm giác khoẻ (không có triệu chứng toàn thân).
  • Trung bình – bạn phải đi cầu 4-6 lần một ngày và có thể cảm giác không khoẻ lắm (triệu chứng toàn thân ít)
  • Nặng – bạn đi cầu nhiều hơn 6 lần một ngày và kèm lẫn máu. Bạn cảm giác không khoẻ và có các triệu chứng toàn thân đáng ghi nhận hơn như sốt, mạch nhanh, thiếu máu, v.v.

Tính trung bình, trong một năm, khoảng phân nửa bệnh nhân viêm loét đại tràng sẽ thuyên giảm bệnh với hầu như không có triệu chứng. Một nửa còn lại sẽ bị tái phát bệnh một thời điểm nào đó trong năm. Trong đợt bệnh đó, một số biểu hiện triệu chứng chậm – trong vài tuần. Người khác thì có triệu chứng nhanh hơn – chỉ qua vài ngày.

Biến chứng của bệnh viêm loét đại tràng

Một đợt bùng phát rất nặng 

Điều này ít gặp nhưng nếu có thì có thể gây bệnh rất nặng. Trong trường hợp này, toàn bộ đại tràng và trực tràng bị loét, viêm và dãn ra (phình đại tràng). Một số vùng có thể bị thủng, hoặc xuất huyết nhiều. Phẫu thuật cấp cứu có thể cần đến nếu đợt bệnh trở rất nặng và không đáp ứng với thuốc (xem phần sau).

Các bệnh liên quan 

Một số bệnh ở các cơ quan khác của cơ thể xuất hiện mỗi 1 trong 10 trường hợp. Vẫn chưa rõ vì sao việc này xảy ra. Hệ miễn dịch của cơ thể có thể khởi phát sự viêm ở các cơ quan khác khi ruột bị viêm. Các tình trạng này bao gồm:

  • Bệnh bùng phát cùng lúc với triệu chứng ở đường tiêu hoá, có nghĩa rằng chúng liên quan với viêm đại tràng và hết khi triệu chứng ở ruột giảm. Bao gồm:
    • Ngứa ở chân (chứng đỏ da)
    • Loét miệng (bệnh áp-tơ miệng)
    • Một loại viêm ở mắt (viêm màng cứng mắt)
    • Đau khớp (viêm khớp cấp)
  • Bệnh có liên quan với viêm đại tràng nhưng không luôn luôn thuyên giảm, dù triệu chứng ở ruột đã ổn. Bao gồm:
    • Một bệnh da liễu tên pyoderma gangrenosum
    • Viêm màng bồ đào trước
  • Bệnh không liên quan đến viêm đại tràng, vậy nên chúng vẫn có thể tồn tại ngay cả khi đường tiêu hoá đã ổn. Bao gồm:
    • Viêm khớp giữa xương cùng và các đốt sống
    • Một loại viêm khớp ảnh hưởng tới cột sống (ankylosing spondylitis)
    • Viêm đường mật xơ hoá nguyên phát
    • Loãng xương, do thiếu vitamin D và xảy ra đặc biệt ở người dùng thuốc steroid lâu ngày
    • Thiếu máu, thường do thiếu sắt nhưng đôi khi do thiếu B12 và/hoặc acid folic.

Ung thư 

Bạn bị tăng nguy cơ của ung thư đại tràng nếu đã bị viêm loét đại tràng.

Bệnh viêm loét đại tràng chẩn đoán như thế nào?

Xét nghiệm thường dùng là bác sĩ sẽ dùng một ống soi đi từ ống hậu môn vào trực tràng và đại tràng để quan sát. Ống soi này có thể là ống soi trực đại tràng sigmoid ngắn hoặc ống soi đại tràng dài.

Hình dạng của lòng trực tràng và đại tràng có thể gợi ý bệnh viêm loét đại tràng. Mẫu mô nhỏ (sinh thiết) được lấy từ thành của trực tràng và đại tràng và được soi dưới kính hiển vi. Hình dạng điển hình của tế bào dưới kính hiển vi có thể giúp xác lập chẩn đoán. Ngoài ra, một số xét nghiệm máu thường được dùng để kiểm tra tình trạng thiếu máu và xem xét tổng trạng của bạn.

Một số xét nghiệm X-quang đặc biệt như bơm barium qua đường hậu môn hiện nay không còn được chỉ định do những xét nghiệm đã nói ở trên đã đủ để khẳng định chẩn đoán và đánh giá độ nặng của bệnh.

Mẫu phân thường được lấy mỗi đợt tái phát của bệnh và gửi tới phòng xét nghiệm để tìm vi trùng và các tác nhân gây nhiễm khác. Tuy chưa có loài nào được chứng minh gây bệnh viêm loét đại tràng, nhiễm một số tác nhân đã biết có thể khởi phát cơn bùng phát bệnh. Nếu tìm thấy một vi trùng nào đó, điều trị nhiễm tác nhân này có thể được bổ sung thêm ngoài những thuốc thường dùng.

Có những lựa chọn điều trị gì cho một đợt cấp của viêm loét đại tràng ?

Khi bạn mới mắc viêm loét đại tràng, thông thường bạn sẽ phải uống thuốc vài tuần cho tới khi hết triệu chứng. Các đợt điều trị sau đó thường được dùng mỗi khi triệu chứng trở lại. Loại thuốc sẽ phụ thuộc vào độ nặng của triệu chứng và nơi viêm chủ yếu ở đại tràng và trực tràng. Các thuốc được lựa chọn bao gồm:

Thuốc aminosalicylate

Các aminosalicylate bao gồm mesalazine, olsalazine, balsalazide và sulfasalazine. Hoạt chất chính trong các thuốc này là 5-aminosalicylic acid nhưng chúng khác nhau ở cách phóng thích hoặc kích hoạt hoạt chất trong ruột. Mesalazine là thuốc thường dùng nhất. Mỗi loại thuốc trên có những tên thương mại và đường dùng khác nhau như thuốc viên uống, thuốc bột, thuốc dạng lỏng, bọt hoặc thuốc viên đặt hậu môn (thuốc viên đạn). Cách dùng thuốc (uống hoặc bơm) có thể tuỳ thuộc vào vị trí bị viêm chủ yếu trên đường tiêu hoá.

Aminosalicylate thường có hiệu quả với các đợt bệnh nhẹ. Cơ chế tác động của thuốc vẫn chưa rõ nhưng người ta nghĩ rằng chúng chống lại tiến trình viêm. Tuy nhiên, chúng không có tác dụng trong mọi trường hợp. Một số người phải chuyển sang dùng thuốc steroid nếu aminosalicylate không hiệu quả hoặc khi đợt bệnh là trung bình hoặc nặng.

Tác dụng phụ của các loại aminosalicylate mới (mesalazine, olsalazine và balsalazide) ít gặp. Thuốc thế hệ cũ hơn như sulfasalazine có tỉ lệ tác dụng phụ cao hơn nên ngày nay ít được dùng.

Steroids

Steroid tác động qua cơ chế giảm viêm. Nếu triệu chứng của bạn là trung bình hoặc nặng, một đợt dùng thuốc viên steroid (corticosteroid) như prednisolone thường sẽ giúp giảm nhẹ triệu chứng. Liều thuốc cao ban đầu sẽ được giảm từ từ và ngưng hẳn khi hết triệu chứng. Steroid dùng đường bơm hoặc đặt hậu môn cũng là lựa chọn cho đợt tái phát nhẹ của viêm trực tràng. Steroid dùng đường tiêm có thể cần trong trường hợp bệnh nặng.

Một đợt điều trị steroid trong vài tuần thường là an toàn. Steroid không được tiếp tục dùng một khi các triệu chứng đã ổn vì các tác dụng phụ có thể xuất hiện nếu ta dùng steroid trong thời gian dài (nhiều tháng hoặc hơn). Mục tiêu là điều trị khỏi đợt tái phát nhưng giữa tổng liều steroid điều trị qua các năm càng thấp càng tốt.

Thuốc ức chế miễn dịch

Các thuốc ức chế miễn dịch mạnh có thể được dùng nếu triệu chứng không giảm mặc dù đã điều trị với các thuốc đã nói trên. Chẳng hạn, azathioprine, ciclosporin hoặc infliximab đôi khi cần đến để kiểm soát một đợt tái phát.

Thuốc nhuận tràng

Tuy đa số bệnh nhân khi mắc viêm loét đại tràng sẽ bị tiêu chảy nhưng như đã nói đến, táo bón cũng có thể xảy ra nếu bạn chỉ bị viêm trực tràng. Trong trường hợp này, thuốc nhuận tràng để giảm táo bón có thể giúp giảm bệnh.

Lưu ý: thuốc chống tiêu chảy như loperamide KHÔNG nên được dùng trong đợt cấp viêm loét đại tràng vì nó không giúp giảm tiêu chảy trong trường hợp này mà còn tăng nguy cơ bị phình đại tràng (một biến chứng nguy hiểm – xem thêm phía dưới).

Có những lựa chọn điều trì nào để ngăn ngừa các triệu chứng của đợt cấp viêm loét đại tràng ?

Thuốc

Khi triệu chứng đã hết, bạn thường được khuyên dùng thuốc mỗi ngày để ngăn ngừa một đợt tái phát tiếp theo. Nếu bạn mắc viêm loét đại tràng mà không dùng thuốc phòng bệnh đều đặn, bạn có từ 5-7 trên 10 khả năng sẽ bị một đợt cấp mỗi năm. Con số này giảm xuống còn 3 nếu bạn dùng thuốc mỗi ngày.

Một loại thuốc aminosalicylate như mesalazine thường được dùng để ngăn ngừa bệnh tái phát. Liều duy trì thấp hơn liều điều trị thường được dùng. Bạn có thể dùng liều này trong khoảng thời gian không giới hạn để đẩy lùi các triệu chứng. Đa số mọi người ít gặp vấn đề nào khi dùng thuốc này do tác dụng phụ là ít gặp. Tuy nhiên, vẫn có người bị tác dụng phụ như đau bụng, buồn nôn, đau đầu hoặc ngứa.

Nếu các triệu chứng xuất hiện khi bạn đang dùng aminosalicylate thì chúng thường sẽ nhanh chóng giảm đi nếu bạn tăng liều thuốc, hoặc chuyển sang một đợt điều trị bằng steroid ngắn ngày. Một loại thuốc khác có thể được chỉ định nếu aminosalicylate không có tác dụng hoặc gây tác dụng phụ khó chịu cho bạn. Chẳng hạn, người ta thường dùng azathioprine hoặc 6-mercaptopurine.

Men vi sinh

Men vi sinh là một loại thuốc bổ sung dinh dưỡng chứa vi khuẩn “tốt”. Đó là những chủng vi khuẩn sống thường trú ở đường tiêu hoá và không gây hại. Dùng men vi sinh có thể làm tăng lượng vi khuẩn “tốt” ở ruột và tránh được các chủng vi khuẩn “xấu” làm khởi phát các triệu chứng. Hiện có ít bằng chứng khoa học cho thấy men vi sinh có thể ngăn ngừa đợt tái phát. Tuy nhiên, một chủng men vi sinh (Escherichia coli Nissle 1917) và loại men vi sinh VSL3 đang cho thấy nhiều triển vọng. Cần thêm nhiều nghiên cứu để làm sáng tỏ vai trò của men vi sinh.

Những ai cần được phẫu thuật?

Không phải tất cả bệnh nhân mắc viêm loét đại tràng sẽ kiểm soát được triệu chứng với thuốc. Khoảng một phần tư số bệnh nhân sẽ cần được phẫu thuật tại một thời điểm nào đó. Phẫu thuật thường làm là cắt bỏ đại tràng và trực tràng. Có nhiều phương pháp khác nhau đã được thực hiện. Bạn cần phải nói chuyện với phẫu thuật viên về các lợi và hại của từng loại phương pháp. Cắt bỏ một phần lớn ruột già thường sẽ chữa khỏi triệu chứng của bệnh về lâu dài.

Phẫu thuật được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Trong một đợt bùng phát nguy hiểm tính mạng. Cắt bỏ ruột già có thể là giải pháp duy nhất nếu nó bị dãn (phình đại tràng), thủng hoặc xuất huyết không cầm.
  • Nếu bệnh không kiểm soát được bằng thuốc. Một số bệnh nhân có sức khoẻ kém với các đợt bệnh xuất hiện thường xuyên và không thể chữa khỏi nhờ thuốc. Việc cắt bỏ ruột già là một phẫu thuật lớn nhưng đối với một số người, đây là giải pháp sau một thời gian dài bị bệnh.
  • Nếu ung thư hoặc tiền ung thư đại tràng xuất hiện.

Các phương pháp điều trị thông thường

  • Một chế độ ăn đặc biệt thường là không cần. Chế độ ăn cân bằng, bình thường và lành mạnh thường được khuyên dùng. Nếu bạn chỉ bị viêm trực tràng, chế độ ăn giàu chất xơ có thể giúp tránh táo bón.
  • Bạn có thể được khuyên dùng sắt (uống hoặc tiêm mạch), vitamin B hoặc viên acid folic nếu bạn bị thiếu máu.
  • Bạn có thể cần thuốc giảm đau nếu bệnh tái phát.
  • Bạn có thể được khuyên chích vaccine để bảo vệ khỏi bệnh viêm phổi, viêm gan và virus gây u nhú ở người (human papillomavirus), đặc biệt nếu bạn đang dùng thuốc ức chế miễn dịch.

Viêm loét đại tràng và ung thư đại tràng

Nguy cơ bị ung thư đại tràng là cao hơn bình thường ở những người mắc viêm loét đại tràng nhiều năm hoặc hơn. Nguy cơ càng tăng lên nếu bạn có những đợt tái phát thường xuyên ảnh hưởng toàn bộ ruột già. Chẳng hạn, 1 trong 10 người mắc viêm loét đại tràng hơn 20 năm với phần lớn đại tràng bị ảnh hưởng sẽ bị ung thư.

Chính vì điều này, người mắc bệnh viêm loét đại tràng thường được khuyên đi khám thường xuyên sau khi đã mắc bệnh khoảng 10 năm. Việc này bao gồm nội soi đại tràng và lấy mẫu phân để làm xét nghiệm (sinh thiết). Ngoài ra còn có thể kết hợp với phun thuốc nhuộm màu lên để thấy rõ những tổn thương nghi ngờ hơn. Tuỳ vào các bất thường qua xét nghiệm và các yếu tố khác, bạn sẽ được xếp vào nhóm nguy cơ thấp, trung bình và cao. “Các yếu tố khác” bao gồm:

  • Độ dài ruột bị ảnh hưởng.
  • Bạn có biến chứng nào như polyp. Đây là những khối nhỏ, lành tính ở trên thành đại tràng hoặc trực tràng.
  • Gia đình bạn có tiền căn bị ung thư.

Viện NICE (Viện Quốc gia về Sức khoẻ và Chăm sóc xuất sắc) khuyến cáo lần nội soi/nhuộm qua nội soi tiếp theo nên phụ thuộc vào nguy cơ bị ung thư đại tràng hoặc trực tràng. Sau lần xét nghiệm tiếp theo, nguy cơ của bạn sẽ được tính lại.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy nguy cơ ung thư giảm ở người dùng aminosalicylate đều đặn trong thời gian dài. Trong một nghiên cứu, người bị viêm loét đại tràng dùng mesalazine thường xuyên giảm được 75% nguy cơ bị ung thư đại tràng.

Tiên lượng của bệnh viêm loét đại tràng

Với thuốc men và các phương pháp phẫu thuật hiện đại, chỉ có một sự tăng nhẹ nguy cơ tử vong 2 năm đầu sau chẩn đoán bệnh so với dân số chung. Sau khoảng thời gian này, ít có sự khác biệt về tuổi thọ so với dân số. Tuy nhiên, đợt tái phát viêm loét đại tràng nặng vẫn là bệnh có thể gây nguy hiểm tính mạng và cần được chăm sóc y tế.

Như đã nói, nếu bạn không dùng thuốc để ngăn ngừa bệnh tái phát, khoảng phân nửa số bệnh nhân sẽ bị bệnh trung bình một lần mỗi năm. Việc này được giảm rất nhiều qua việc dùng thuốc đều đặn. Tuy nhiên, ngay ở những người thường xuyên uống thuốc, vẫn có người bị tái phát thường xuyên và khoảng 1 phần 4 bệnh nhân cần phẫu thuật cắt đại tràng.

Sau một năm chẩn đoán bệnh, khoảng 9 trên 10 người vẫn có thể làm việc. Điều này có nghĩa rằng ở phần lớn trường hợp, với điều trị, bệnh viêm loét đại tràng có thể kiểm soát được và bạn có thể sống một cuộc sống gần như bình thường. Tuy nhiên, bệnh có thể gây khó khăn đặc biệt cho một nhóm nhỏ bệnh nhân.

Điều trị bệnh viêm loét đại tràng vẫn đang được nghiên cứu thêm. Nhiều loại thuốc mới đang được tìm hiểu. Điều này có thể giúp thay đổi các lựa chọn điều trị trong 10 năm tới và giúp cải thiện tiên lượng bệnh.

Tài liệu tham khảo

http://www.patient.co.uk/health/ulcerative-colitis-leaflet

Nguồn tin: Y học cộng đồng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây